Bánh tráng Hòa Đa – Linh hồn ẩm thực thấm vị phù sa

Giống như bao làng quê khác ở Phú Yên, người dân thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An sống dựa vào cây lúa là chủ yếu. Và cũng chính từ nguồn nguyên liệu dồi dào này mà nghề bánh tráng ở đây ra đời rất sớm, và trở thành nghề truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến nay.

1. Định vị bánh tráng Hòa Đa

Men theo con đường là những vỉ bánh phơi thành từng dãy đều tăm tắp trong nắng, nếu trời nắng già thì nửa giờ là bánh khô. Bánh tráng là món ăn khá phổ biến của người Việt Nam từ xưa đến nay. Ở Phú Yên món bánh tráng trở nên gần gũi với tất cả mọi người hơn bao giờ hết. Nó gắn với đời sống và văn hóa ẩm thực, không thể thiếu trong những lần nhà có đám tiệc.

Bánh tráng là nghề truyền thống của người Việt Nam

Có lẽ người làm bánh có bí quyết gia truyền, kinh nghiệm riêng nên bánh tráng của họ làm ra thật độc đáo, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Chính vì thế mà nơi đây có khoảng hơn 20% hộ gia đình chọn nghề làm bánh tráng để mưu sinh. Bánh tráng Hòa Đa trở thành một thương hiệu.

2. Các công đoạn làm bánh tráng Hòa Đa

Các công đoạn làm bánh thật đơn giản, song cũng khá nhọc nhằn. Để có được cái bánh tráng ngon thì người thợ phải có tay nghề cao và một vài bí quyết gia truyền. Gạo là nguồn nguyên liệu hết sức quan trọng để tạo ra chiếc bánh, do vậy phải chọn cho được loại gạo dẻo. Sau khi ngâm gạo, đưa gạo vào máy xay thành bột, pha thêm một ít bột mì trộn đều cho lên khuôn để tráng thành bánh. Công việc tráng bánh phải bắt đầu từ việc chọn gạo ngâm trong 3 – 4 giờ, đem xay bột rồi lọc bột để tách bột chua trong gạo và để tạo thêm độ kết dính. Sau đó dùng gáo dừa trải đều một lớp bột thật mỏng thành hình tròn trên một nồi chứa nước đặt bên dưới lò lửa, dùng nắp đậy lại. Tráng bánh không khó nhưng phải xoay giá đều tay để bột dàn đều, nếu không bột sẽ có chỗ dày chỗ mỏng. Nhìn thì rất đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm thì mới thấy được khó khăn khi phải thao tác đều đặn để bánh có hình dáng tròn đẹp và bánh có độ dày phù hợp. Bánh chín dùng một nang tre mỏng hoặc một ống tre lòn cuộn tròn để gỡ ra khỏi khuôn trải trên một cái vỉ được đan bằng tre.

Nhìn tưởng dễ nhưng làm một chiếc bánh tráng phải đều tay. Ảnh: Phú Yên Tour

Làm được chiếc bánh tráng đem phơi nắng nghe đơn giản nhưng thật ra rất vất vả, nó đòi hỏi người làm phải khéo léo, có kinh nghiệm.

Ngày trước muốn làm bánh tráng phải đắp lò đất. Lò này chụm bằng củi. Ngày nay củi đốt rất khó khăn nên lò được nâng cấp xây bằng gạch, lò được đốt bằng trấu. Lò hình chữ nhật dài hơn so với lò đất. Việc lò dùng trấu đốt nên bên cạnh lò có thùng đựng chất đốt trấu có lỗ thông qua lò lửa. Người tráng bánh ngồi một lát sẽ dùng que tre đẩy lớp trấu vào bếp lò bổ sung cho chất đốt đang cháy.

Cuộc thi tráng bánh tại lò Hòa Đa của các đội Amazing Race Phú Yên. Ảnh: Phú Yên Tour

Nghề tráng bánh lấy công làm lời. Mỗi ký gạo tráng được 25 – 30 cái bánh. Mỗi cái bánh khoảng 2.000 đồng chưa tính chi phí chất đốt. Sau khi phơi khô bánh được xếp thành từng chục hoặc từng cách (mỗi cách là 60 cái) để chờ bạn hàng đến lấy. Bánh tráng ở đây được lựa chọn vì đồng đều, chất lượng dẻo thơm, không có vị chua, không bị vỡ khi nhúng nước. Bên cạnh đó độ dẻo của bánh tráng Hòa Đa được kiểm định chỉ dùng bột gạo chứ không pha thêm bột sắn như ở những nơi khác. Bánh tráng Hòa Đa có nhiều loại như: bánh tráng mỏng thường dùng để cuốn đồ ăn, bánh nướng dày, bánh mè, bánh tráng nước cốt dừa, hành củ, dừa nạo,…

3. Bánh tráng Hòa Đa ngon ở chỗ nào?

Bánh tráng ngon là bánh đều khổ, tốt nắng, nướng ăn thơm, nhúng nước không dính. Hòa Đa bánh tráng được chọn là đặc sản, là món quà dân giã, được gói bọc cẩn thận làm quà cho người thân, bạn bè để thể hiện tình cảm, ơn nghĩa. Nó đơn giản thế nhưng mang nặng nghĩa tình. Bánh tráng cũng được làm quà mang đi xa, nhất là những cô cậu học trò ở xa nhà. Bánh tráng Phú Yên đi ra Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn như một món quà động viên tinh thần đứa con đi xa cố gắng học hành, làm ăn. Ngoài bánh tráng gạo còn có bánh tráng từ các loại bột củ. Bánh tráng khoai lang được làm từ khoai lang, có rắc mè và gừng đã trở thành đặc sản của Hội An đã theo chân du khách nước ngoài đi khắp mọi nơi từ lúc nào không hay biết. Hoặc bánh tráng mì làm từ bột sắn, bánh tráng nước dừa làm từ bột gạo pha nước cốt dừa thêm hành tiêu, ít hành củ. Từ những đặc điểm của bánh tráng đã mang đậm văn hóa ẩm thực của xứ Đàng Trong.

Bánh tráng Hòa Đa ăn kèm với bánh hỏi cháo lòng. Ảnh: aries_26031996

4. Bánh tráng trong văn hóa ẩm thực Việt Nam

Bánh tráng đồng quê có mặt từ mâm cơm nhà nghèo đến bàn tiệc sang trọng. Có thể nói sau cơm thì bánh tráng là món ăn phổ biến đứng hàng thứ hai. Có một số nơi khi ngồi vào bàn tiệc mà chưa có bánh tráng thì chẳng ai cầm đũa được. Vượt qua khỏi đời sống tầm thường, bánh tráng đi vào tâm linh của người miền Trung. Bánh tráng đa dạng về chủng loại, phong phú về mùi vị, được dùng hầu hết trong các bữa ăn thường nhật, cũng như ma chay, giỗ kỵ. Với bánh tráng mỏng, còn được gọi là bánh tráng men được các bà nội trợ dùng trong các món nem, ví dụ nem ráng giòn tan thơm lừng. Loại bánh tráng dày thì nướng lên bẽ nhỏ cho vào các tô mì quảng, cháo lòng, cao lầu Hội An tạo cảm giác béo giòn. Trong hầu hết thôn xóm cứ vài chục hộ thì có một lò bánh tráng. Bánh tráng chưa bao giờ có vị trí thấp kém trong ẩm thực của người Việt Nam.

Bánh tráng nóng được thưởng thức trực tiếp. Ảnh: Phú Yên Tour

So với phở món ẩm thực Việt Nam được cả thế giới biết đến thì bánh tráng mang tính đặc trưng hơn, đại diện nhiều hơn. Ở Việt Nam không người nào là không biết bánh tráng trừ những nơi miền núi, còn ở nơi đồng bằng thì không ai không một lần ăn thứ bánh này. Vì ở đâu có lúa gạo thì tất có bánh tráng. Bánh tráng ăn kèm với thứ gì cũng ngon, ăn kèm với thứ này thứ kia là do tập quán và thói quen. Ăn bánh tráng với bánh hỏi lòng heo, thịt dê, thịt gà, cá nướng, gỏi, mực xào, nem nướng, nộm bò, nộm măng hoa chuối, có thể ăn với cháo lươn, cháo cá, phở, bánh canh.

Ngày nay có vô vàng thức bánh kẹo nhưng bánh tráng vẫn được ưa chuộng, nếu xếp hạng thì bánh tráng đứng vị trí ngôi chủ. Bánh tráng có mặt khắp nơi để ăn uống, uống bia, uống rượu, để làm quà, để dự trữ. Bánh tráng vừa mang tính cổ truyền, vừa mang tính hiện đại luôn là món ưa dùng của mọi người, không phân biệt sang giàu, nghèo hèn. Hương vị của bánh tráng sẽ theo con người suốt dọc dài thời gian cho ta hiểu thế nào là nguồn cội, hiểu thế nào là văn hóa văn minh của người, của nghề trồng lúa nước. Và có thể tương lai bánh tráng sẽ có mặt ở khắp các siêu thị trên thế giới để người dân Việt Nam tự hào về quê hương có hạt gạo thấm vị phù sa.

Theo Phú Yên Tour

Tham khảo tư liệu của Hãng phim Phương Nam